22.12.11

TRUYỆN TIẾU LÂM NGA

Hỏi: Sự khác nhau giữa báo Pravda (Sự thật) và báo Izvestia (Tin tức) là gì ?

Đáp: Trong báo “Sự thật” thì không có tin tức, còn trong báo “Tin tức” thì không có sự thật.

—–

Luật pháp LX đảm bảo quyền tự do ngôn luận. Nhưng nó không đảm bảo quyền tự do sau khi ngôn luận.

—–

Hỏi: Điều gì là vĩnh cửu ở Liên Xô?

Đáp: Những khó khăn tạm thời.

—–

Hỏi: Tình trạng hỗn độn là gì ?

Đáp: Chúng tôi không bình luận về nền kinh tế của đất nước.

—–

Hỏi: Có đúng là nhà thơ Vladimir Mayakovsky đã tự sát hay không?

Đáp: Vâng, đúng vậy, và người ta còn thu âm lại được những lời nói cuối cùng của nhà thơ: “Các đồng chí, xin đừng bắn.”

—–

Hỏi: Thế nào là người cộng sản ?

Đáp: Người cộng sản là người đã đọc cuốn “Kapital” của Marx

Hỏi: Còn thế nào là người tư bản ?

Đáp: Người tư bản là người đã hiểu nội dung cuốn “Kapital” của Marx

—–

Hỏi: Có đúng là điều kiện sống ở các trại lao động cải tạo là tuyệt vời không?

Đáp: Về nguyên tắc là đúng. Năm năm trước một thính giả của chúng tôi không tin điều này và vì thế đã được gửi tới đó để điều tra. Vị thính giả này có vẻ đã thích ở kia tới mức mà giờ này ông ta vẫn còn chưa thèm quay về lại.

—–

Ba công nhân vừa bước vào nhà tù, hỏi nhau vì sao bị tù. Người thứ nhất: “Ngày nào tôi cũng đi muộn 10 phút, họ bảo tôi phạm tội phá hoại”. Người thứ hai: “Ngày nào tôi cũng tới sớm 10 phút, họ bảo tôi là gián điệp”. Người thứ ba: “Ngày nào tôi cũng đến đúng giờ, họ bảo tôi có đồng hồ ngoại”.Tại sao bao giờ KGB cũng đi thành nhóm 3 người? Trả lời: một người biết đọc, một người biết viết, người thứ ba có nhiệm vụ theo dõi hai tay có học đó.

—–

Stalin quyết định vi hành quanh thành phố xem công nhân sống như thế nào, một lần ông ta bí mật ra khỏi Điện Cẩm Linh. Sau đó ông rẽ vào rạp chiếu bóng. Phim vừa hết thì quốc ca vang lên và trên màn ảnh xuất hiện hình Stalin. Tất cả đều đứng dậy và hát quốc ca, riêng Stalin vẫn tiếp tục ngồi, tỏ vẻ rất hài lòng. Rồi ông ta thấy một người ngồi phía sau ghé vào tai thì thầm: “Này đồng chí, tất cả chúng tôi đều cảm thấy như thế, nhưng hãy tin tôi đi, đứng dậy sẽ an toàn hơn rất nhiều”.

—–

Sĩ quan KGB vào công viên và trông thấy một ông già đang cầm cuốn sách. Người sĩ quan hỏi: “Ông già đang đọc gì đấy”. Ông già đáp: “Tôi đang tự học tiếng Ivrit”. “Ông học tiếng Ivrit làm gì? Thị thực đi Israel phải chờ mấy năm lận. Ông sẽ chết trước khi làm xong giấy tờ”. “Tôi học tiếng Ivrit để khi lên Thiên đàng tôi có thể nói chuyện với Abraham và Moïse. Trên Thiên đàng chỉ nói bằng tiếng Ivrit thôi”. “Thế nếu ông xuống địa ngục thì sao?” – Người sĩ quan hỏi. “Tiếng Nga thì tôi biết rồi” – ông già trả lời.

—–

Một người Mỹ và một người Nga tranh luận xem ai vĩ đại hơn: tổng thống Hoover hay Stalin?

- Tất nhiên là Hoover rồi! Bởi lẽ ông đã cai nghiện cho chúng tôi!

- Đã có gì là to tát! Stalin còn cai ăn cho chúng tớ thì sao!

—–

Một ông nông dân bị nông trang cướp mất đất liền viết thư khiếu nại gửi cho đồng chí Lê Nin ở Moskva. Một tháng sau chính quyền gọi ông nông dân lên. “Tại sao ông lại gửi thư cho đồng chí Lê Nin? Ông không biết đồng chí Lê Nin đã chết rồi sao?” “Mẹ kiếp, tại sao lúc các người cần thì đồng chí Lê Nin sống mãi trong sự nghiệp, còn lúc ta cần thì đồng chí ấy lại chết mất rồi?”

—–

Hỏi: Chủ nghĩa Cộng Sản có khác Chủ nghĩa Tư Bản không ?

Trả lời: Về nguyên tắc là có. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa có tình trạng người bóc lột người. Còn trong chế độ cộng sản chủ nghĩa thì là ngược lại.

—–

Hỏi: Có đúng là ở Liên Bang Xô Viết có tự do ngôn luận giống như ở Hoa Kỳ không?

Đáp: Đúng thế. Ở Hoa Kỳ, quý vị có thể đứng trước cửa Nhà Trắng và hét to, “Đả đảo Reagan!”, và quý vị sẽ không bị trừng phạt. Ở Liên bang Xô Viết, quý vị có thể đứng ở Quảng trường Đỏ ở Moskva và hét to “Đả đảo Reagan!”, và quý vị cũng sẽ không bị trừng phạt.

—–

- Truyện thần thoại Pháp khác truyện thần thoại Liên Xô thế nào?

- Một cái bắt đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa…”, thứ kia bắt đầu bằng câu: “Không còn bao lâu nữa…”

—–

Đảng bộ Leningrad mới ra nghị quyết về tạo ra sự dư thừa lương thực cho dân chúng. Phóng viên một tờ báo phỏng vấn một bà già trên đường phố là bà nghĩ gì về nghị quyết này. “Thời phát xít Đức bao vây chúng ta còn sống sót được thì chắc rồi cũng sẽ sống sót được sự dư thừa lương thực này thôi.”

—–

Hồi Liên Xô mới đổ, một anh này vào tiệm uống cà phê đòi xin một tờ báo Đảng. “Chúng tôi dạo này không tích trữ báo Đảng nữa.” Vài phút sau anh ta lại xin một tờ báo Đảng. “Dạo này chúng tôi không còn có báo Đảng nữa.” Mười phút sau anh ta lại hỏi xin một tờ báo Đảng. Phục vụ viên cáu tiết hét lên: “Tôi đã nói mấy lần là bây giờ quán chúng tôi không chứa báo Đảng nữa sao anh cứ hỏi mãi?” “À, tại câu đấy nghe hay quá, xin cứ nhắc lại thêm vài lần nữa cho tôi nghe.”

—–

Một bà đi vào cửa hàng hỏi: “Các đồng chí có thịt không?” “Không, không có thịt.” “Thế các đồng chí có sữa không?” “Không, cửa hàng chúng tôi chỉ là cửa hàng thịt. Bà sang cửa hàng bên kia đường đi, bên đó họ mới không có sữa.”

—–

Hỏi: Tại sao những người bất đồng quan điểm lại bị o ép đến nỗi phải rời khỏi đất nước?

Đáp: Anh không biết rằng tất cả những sản phẩm tốt nhất luôn được lựa chọn để xuất khẩu à?

—–

Hỏi: Chủ nghĩa Cộng Sản có thể xây dựng thành công ở Mỹ được không?

Đáp: Được chứ. Nhưng sau đó thì chúng ta sẽ mua ngũ cốc từ đâu?

—–

Hỏi: Đến gia đoạn cuối cùng của Chủ nghĩa Xã Hội, tức là Chủ nghĩa Cộng Sản, thì có còn trộm cắp không?

Đáp: Không? Vì mọi thứ đã bị lấy sạch trong giai đoạn Chủ nghĩa Xã Hội rồi.

—–

Hỏi: Sự khác nhau giữa nền thương nghiệp Chủ nghĩa Xã Hội và Chủ nghĩa Tư Bản là gì?

Đáp: Thương nghiêp Tư Bản : cái gì cũng có bán. Thương nghiẹp Chủ nghĩa Xã Hội : thấy gì cũng xếp hàng mua.

—–

Hỏi: Có phải Mỹ là nước có những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới?

Đáp: Đúng. Nhưng ngược Liên Xô lại là nước chế tạo được những linh kiện bán dẫn to nhất thế giới!

—–

Hỏi: Có thể sống nổi chỉ với đồng lương chính không?

Đáp: Không biết. Chưa thằng nào trong chúng tôi dám thử cả.

—–

Stalin muốn kiểm tra xem những người nông dân sống ra sao. Ông đi tới một ngôi làng

- Các đồng chí, cuộc sống ra sao?

- Dạ thưa đồng chí, trước kia chúng tôi có 2 bộ quần áo còn bây giờ chỉ có một thôi ạ.

- Quần áo không thể dùng để đánh giá mức sống được. Các đồng chí có biết rằng ở châu Phi có những nơi người ta hoàn toàn cởi truồng không?

- Thật là tội nghiệp! Chắc ở đó họ còn có chủ nghĩa cộng sản trước cả chúng ta!

—–

Một sinh viên thi trượt tốt nghiệp chỉ vì anh không nói lên được sự khác biệt giữa kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa và kinh tế Tư Bản Chủ Nghĩa. Anh sinh viên buồn bã kể lại với bố. Ông bố an ủi con:

- Vậy là may đấy con à! Ở cơ quan bố, một cán bộ đã nói ra sự khác biệt này và ông ta không bao giờ trở lại nữa.

Mười chuyện tiếu lâm hay nhất thời Liên Xô do báo The Times ( Anh ) bình chọn

PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG DỊCH

1 comment:

  1. Giải nhất: Ba công nhân vừa bước vào nhà tù, hỏi nhau vì sao bị tù. Người thứ nhất: “Ngày nào tôi cũng đi muộn 10 phút, họ bảo tôi phạm tội phá hoại”. Người thứ hai: “Ngày nào tôi cũng tới sớm 10 phút, họ bảo tôi là gián điệp”. Người thứ ba: “Ngày nào tôi cũng đến đúng giờ, họ bảo tôi có đồng hồ ngoại”.

    Sau đây là 9 giải còn lại:

    2) Trong một túp lều ở thảo nguyên có một ông lão đang hấp hối.
    Có tiếng gõ cửa dồn dập
    - Ai đấy? – ông lão hỏi.
    - Thần chết, - có tiếng đáp.
    - Lậy chúa tôi! – ông già nói – Cứ tưởng là KGB

    3) Báo Sự Thật nói rằng tất cả thư từ gửi tới tòa soạn đều được tiếp nhận một cách trọng thị. Người gửi cần ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình và của những người thân nhất trong gia đình.

    4) Tại sao bao giờ KGB cũng đi thành nhóm 3 người? Trả lời: một người biết đọc, một người biết viết, người thứ ba có nhiệm vụ theo dõi hai tay có học đó.

    5) Leonid Brejnev thăm chính thức Pháp. Người ta đưa ông thăm quan Paris. Ông được đưa đến Điện Élysée, nhưng cũng như mọi khi, mặt ông vẫn lạnh như tiền. Rồi người ta đưa ông đến viện bảo tàng Louvre, nhưng vẫn không ai thấy phản ứng gì. Rồi người ta đưa ông tới Khải hoàn môn, nhưng vẫn không thấy một tí biểu hiện nào trên nét mặt hết. Cuối cùng, đoàn xe đến tháp Eiffel. Brejnevvô cùng kinh ngạc. Ông ta quay sang những người dẫn đường Pháp và hỏi: “Này, ở Paris có đến 9 triệu người… Các vị chỉ cần một tháp canh thôi ư?”

    6) Stalin quyết định vi hành quanh thành phố xem công nhân sống như thế nào, một lần ông ta bí mật ra khỏi Điện Cẩm Linh. Sau đó ông rẽ vào rạp chiếu bóng. Phim vừa hết thì quốc ca vang lên và trên màn ảnh xuất hiện hình Stalin. Tất cả đều đứng dậy và hát quốc ca, riêng Stalin vẫn tiếp tục ngồi, tỏ vẻ rất hài lòng. Rồi ông ta thấy một người ngồi phía sau ghé vào tai thì thầm: “Này đồng chí, tất cả chúng tôi đều cảm thấy như thế, nhưng hãy tin tôi đi, đứng dậy sẽ an toàn hơn rất nhiều”.

    7) Một công dân Liên Xô tiết kiệm đủ tiền mua ô tô. Sau khi trả tiền, người ta nói với anh là ba năm nữa sẽ được nhận xe.
    - Ba năm nữa lận! – Anh ta nói – Tháng mấy?
    - Tháng tám.
    - Tháng tám à? Ngày mấy?
    - Ngày 2 tháng tám.
    - Buổi sáng hay buổi chiều?
    - Buổi chiều. Mà chuyện gì vậy?
    - Buổi sáng sẽ có một thợ sửa ống nước đến nhà tôi.

    8) Tại sao các cựu sĩ quan Stasi lại là những người lái taxi thông thạo nhất ở Berlin? Vì anh chỉ cần nói tên là họ đã biết anh sống ở đâu rồi.

    9) Moskva những năm 1970. Mùa đông giá rét. Có tin đồn là ngày hôm sau cửa hàng bán thịt số 1 sẽ có thịt.
    Ngay hôm đó trước cửa hàng đã có hàng chục ngàn người với áo khoác ấm, giày cao cổ, rượu và bàn cờ đứng thành hành dài.
    Lúc 3 giờ chiều một người bán thịt đi ra và nói: “Thưa các đồng chí, Ban chấp hành trung ương vừa gọi xuống, thông báo rằng không đủ thịt bán cho tất cả mọi người vì vậy mà dân Do Thái nên về nhà”.
    Dân Do Thái nhẫn nhục bước ra khỏi hàng. Những người khác tiếp tục đợi.
    Lúc 7 giờ tối người bán thịt lại bước ra và nói: “Thưa các đồng chí, Ban chấp hành trung ương vừa gọi xuống, thông báo rằng hóa ra là không có thịt vì vậy mọi người nên về nhà”.
    Đám đông tản ra, vừa đi họ vừa lầm bầm: “Bọn Do Thái khốn nạn lúc nào cũng gặp may!”.

    10) Sĩ quan KGB vào công viên và trông thấy một ông già đang cầm cuốn sách. Người sĩ quan hỏi: “Ông già đang đọc gì đấy”. Ông già đáp: “Tôi đang tự học tiếng Ivrit”. “Ông học tiếng Ivrit làm gì? Thị thực đi Israel phải chờ mấy năm lận. Ông sẽ chết trước khi làm xong giấy tờ”. “Tôi học tiếng Ivrit để khi lên Thiên đàng tôi có thể nói chuyện với Abraham và Moïse. Trên Thiên đàng chỉ nói bằng tiếng Ivrit thôi”. “Thế nếu ông xuống địa ngục thì sao?” – Người sĩ quan hỏi. “Tiếng Nga thì tôi biết rồi” – ông già trả lời.

    ReplyDelete